10/08/2021
Những lưu ý giúp mẹ kiểm soát tốt tiểu đường thai kỳ
Trong quá trình thai kỳ, điều trị tiểu đường thai kỳ cần sự hợp tác tốt của mẹ bầu và bác sĩ chuyên khoa. Bởi vậy, những lưu ý giúp mẹ kiểm soát tốt tiểu đường thai kỳ cần nên biết để điều trị bệnh cũng như có 1 thai kỳ khỏe mạnh hơn.
1. Kiểm tra đường huyết thường xuyên
Để chắc đường huyết được kiểm soát tốt hay chưa mẹ bầu nên thử đường huyết trước bữa ăn chính và sau 1-2 giờ, mà không chỉ thử đường huyết lúc đói khi mới ngủ dậy.Mục tiêu đường huyết lúc đói và trước bữa ăn là dưới 95 mg/dl, còn mục tiêu đường huyết 1 giờ sau ăn ít hơn 140 mg/dl, đường huyết 2 giờ sau ăn ít hơn 120 mg/dl. Mẹ bầu nên mua máy đo đường huyết cá nhân tại nhà và học cách sử dụng từ các nhân viên y tế. Nếu đường huyết cao hơn mục tiêu, mẹ bầu có thể điều chỉnh lại chế độ ăn, tập luyện và tham khảo ý kiến bác sĩ về việc điều chỉnh tăng liều thuốc hoặc thêm loại thuốc kiểm soát đường huyết.
2. Dùng thuốc điều trị tiểu đường thai kỳ theo đúng phác đồ của bác sĩ
Một số ít thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ cần phải sử dụng thuốc mới có thể kiểm soát đường huyết. Đa phần thai phụ được kê thuốc insulin tiêm dưới da hàng ngày. Insulin an toàn cho mẹ và con, nên mẹ bầu có thể yên tâm dùng theo sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa
3. Chế độ ăn uống thai kỳ khi bị tiểu đường thai kỳ
Hơn 90% thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ chỉ cần ăn uống đúng theo hướng dẫn là có thể kiểm soát được đường huyết trong mục tiêu mà không cần điều trị thuốc insulin. Chế độ ăn của thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ khó khăn hơn so với người bình thường vì phải kiểm soát được năng lượng và các chất dinh dưỡng đủ cho phát triển thai nhi nhưng không gây tăng đường huyết và rối loạn chuyển hóa khác. Thông thường, mẹ bầu cần giảm lượng chất bột đường ở mức 50-55% tổng năng lượng, phải chia nhỏ bữa ăn thành 5- 6 bữa, tăng cường rau xanh, lựa chọn sữa chuyên biệt dành cho người đái tháo đường trong các bữa ăn phụ, hạn chế ăn quá nhiều chất béo và thực phẩm chế biến công nghiệp... Mẹ bầu cần được bác sĩ dinh dưỡng tư vấn và xây dựng chế độ ăn riêng cho mình để bảo đảm sức khỏe cho mẹ và con cũng như phù hợp sở thích của mẹ bầu.
4. Nạp lượng chất bột đường vừa đủ theo ngày
Chất bột đường là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể nhưng nếu thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ ăn quá nhiều sẽ khiến đường huyết tăng cao và gây tác động xấu đến sức khỏe của mẹ và con. Tỷ lệ chất bột đường nên giảm ở mức 50 - 55% tổng năng lượng. Kể từ quý 2 của thai kỳ chỉ nên ăn khoảng 250 - 300g bột đường mỗi ngày. Thực phẩm giàu chất bột đường là cơm, bánh mì, nui, bún, phở, mì gói, bánh quy, khoai, sắn... Nên chọn loại chất bột đường càng ít tinh chế càng tốt.Cân bằng lượng chất bột đường sao cho phù hợp với thể trạng của từng thai phụ là việc khá khó và đôi khi cần sự hướng dẫn của bác sĩ dinh dưỡng. Sau khi đã biết lượng và loại chất bột đường vừa đủ cho một ngày, mẹ bầu cần tuân thủ chế độ ăn này và tránh ăn ít hơn hoặc nhiều hơn con số cho phép.
5. Uống nước lọc:
Thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ thường được khuyên tránh xa nước ngọt, nước ép trái cây, sinh tố… vì các loại thức uống này đều chứa nhiều đường làm đường huyết tăng nhanh. Bạn hãy chọn nước lọc, thỉnh thoảng có thể uống nước trà xanh pha loãng, nước khoáng vì đây là thức uống an toàn cho thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ.
6. Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ ngon tác động tích cực đến sức khỏe của người mẹ. Các nghiên cứu cho thấy mất ngủ là một dấu hiệu của trầm cảm và điều này hoàn toàn không tốt cho việc điều trị đái tháo đường. Trong những tháng cuối thai kỳ, nhiều thai phụ sẽ thấy khó ngủ vì khó khăn khi xoay trở và tìm tư thế ngủ thoải mái. Mẹ bầu có thể trao đổi thêm với bác sĩ về điều này để nhận được những lời khuyên hữu ích.
7. Tập thể dục:
Tập thể dục giúp làm giảm đường huyết. Các bài tập vận động toàn thân nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, đạp xe được khuyến cáo trong suốt thai kỳ, kể cả khi không có đái tháo đường. Tập thể dục đồng thời cải thiện sự đề kháng insulin, giúp ổn định đường huyết và giảm stress, nhờ đó, bạn sẽ có được một giấc ngủ ngon.
8. Cho con bú sữa mẹ
Những bà mẹ bị đái tháo đường thai kỳ càng nên cho con bú sữa mẹ sau sinh. Bên cạnh những lợi ích cho con từ sữa mẹ, việc cho con bú có thể giúp mẹ kiểm soát đường huyết, nhanh chóng giảm cân, giảm nguy cơ đái tháo đường type 2 sau này.
9. Tái khám theo lịch hẹn
Mẹ bị đái tháo đường thai kỳ nằm trong nhóm có nguy cơ cao bị đái tháo đường típ 2. Các nghiên cứu cho thấy 50% phụ nữ đái tháo đường thai kỳ sẽ bị đái tháo đường típ 2 trong khoảng 5 - 10 năm sau. Bạn cần đến khám bác sĩ nội tiết sau sinh 6 – 8 tuần để biết chính xác tình trạng đường huyết để có phương án theo dõi, điều trị tiếp theo và sau đó định kỳ tầm soát đái tháo đường típ 2 mỗi 3 năm một lần.
Tại Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn, mẹ bầu có thể tham khảo dịch vụ Thai sản trọn gói và thăm khám - điều trị tiểu đường thai kỳ với lộ trình thăm khám khoa học cho bà mẹ mang thai trước - trong - sau sinh với các bác sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Sản phụ khoa. Đảm bảo việc theo dõi sản phụ có 1 thai kỳ khỏe mạnh và cuộc chuyển dạ an toàn. Để được tư vấn gói dịch vụ Thai sản trọn gói tại bệnh viện và chương trình ưu đãi đặc biệt trong tháng, mẹ bầu vui lòng gọi tới Tổng đài 1900 599 858 hoặc Hotline 091 585 0770 để được tư vấn miễn phí.