icon-hd
Hotline
091 585 0770
icon-hd
Tổng đài
1900 599 858
Đặt lịch
Khám bệnh
Tra cứu
Bệnh án

Vô sinh hiếm muộn là tình trạng khá phổ biến hiện nay với tỉ lệ các cặp vợ chồng mắc phải đang ngày càng tăng cao. Việc trang bị cho bản thân và gia đình những kiến thức cũng như các phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn là vô cùng hữu ích.

1. Những trường hợp nào có thể đăng ký khám hiếm muộn?

Khám hiếm muộn là đối với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản sau 1 năm chung sống thực sự và không áp dụng biện pháp tránh thai nào vẫn không có thai (nếu người vợ >35 tuổi, thời gian này chỉ tính 6 tháng). Phân loại:

  • Vô sinh nguyên phát là khi người vợ chưa có thai lần nào.
  • Vô sinh thứ phát là khi người vợ có ít nhất 1 lần mang thai trước đây, sau đó tối thiểu 1 năm mong con nhưng chưa thụ thai lần nữa.

2. Những điều cần lưu ý khi đi khám hiếm muộn lần đầu

Khám hiếm muộn cần đi 2 vợ chồng. Bởi nguy cơ hiếm muộn có thể đến từ một trong hai người hoặc là do cả hai. Trường hợp khám hiếm muộn lần đầu, người vợ nên đi khám lúc vừa sạch kinh là tốt nhất, và lúc đó 2 vợ chồng cũng đã kiêng quan hệ khoảng tầm 3-5 ngày (để thử tinh dịch đồ được chính xác). Cụ thể, như sau:

  • Với người vợ, khám vào 02 thời điểm:

- Thời điểm sạch kinh: tốt nhất sạch kinh 2-3 ngày), không quan hệ tình dục.

- Thời điểm có kinh: ngày 2 hoặc ngày 3 chu kỳ kinh.

  • Với người chồng: Trước khi đến thăm khám kiêng xuất tinh 3-5 ngày.

Khám và điều trị hiếm muộn đòi hỏi phải kiên nhẫn vì có những xét nghiệm chỉ có thể thực hiện trong 1 thời điểm nhất định trong chu kỳ kinh. Những trường hợp cần yêu cầu người vợ đến khám vào những ngày đặc biệt trong chu kỳ kinh thì bạn sẽ được bác sĩ tư vấn cụ thể.

  • Khi đến khám cần điền thông tin trên phiếu đăng ký khám một cách chính xác theo giấy tờ.
  • Người chồng chỉ nộp giấy thử tinh dịch đồ sau khi có kết quả xét nghiệm máu.
  • Người vợ sẽ chờ kết quả tinh dịch của chồng để được bác sĩ tư vấn cùng lúc cả 2 vợ chồng.
  • Tất cả các kết quả xét nghiệm nộp tại bàn nhận bệnh, không nộp vào phòng khám.
  • Khi tiến hành điều trị hiếm muộn, 2 vợ chồng phải có giấy đăng ký kết hôn.

3. Khi đi khám hiếm muộn cần mang theo những giấy tờ gì?

  • Chứng minh nhân dân/căn cước công dân
  • Tất cả hồ sơ khám (siêu âm, xét nghiệm...) trước đó bạn đã thực hiện (nếu có)
  • Trường hợp sau khi khám hiếm muộn và 2 vợ chồng muốn điều trị hiếm muộn thì nhất định phải có giấy đăng ký kết hôn.

4. Chi phí khám hiếm muộn như thế nào?

Trên thực tế, việc điều trị vô sinh có thể sẽ phải kéo dài và cần đến chi phí tương đối lớn. Do đó, người bệnh nên tham khảo trước các chi phí cần sử dụng trong suốt quá trình thăm khám cũng như điều trị và lựa chọn thực hiện điều trị sao cho phù hợp với khả năng kinh tế của bản thân. Tuy nhiên, không vì lý do này mà bạn lựa chọn thực hiện tại các địa điểm “giá rẻ”, thiếu uy tín. Và tùy vào tình trạng của mỗi cặp vợ chồng, bác sĩ sẽ thăm khám và cho các chỉ định cận lâm sàng thích hợp cho mỗi lần khám.

5. Các phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn
Lựa chọn điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây vô sinh của người bệnh. Thay đổi lối sống, thuốc men, phẫu thuật hoặc các phương pháp khác có thể được khuyến nghị. Một số phương pháp điều trị có thể được kết hợp lại để cải thiện kết quả. Vô sinh có thể được điều trị thành công ngay cả khi không tìm thấy nguyên nhân.

IVF là một trong những phương pháp hỗ trợ sinh sản cho tỷ lệ đậu thai cao hiện nay

6. Phẫu thuật được sử dụng để điều trị vô sinh hiếm muộn ở phụ nữ như thế nào?
Ở phụ nữ, phẫu thuật có thể giúp sửa chữa ống dẫn trứng bị tắc hoặc bị hỏng. Phẫu thuật cũng có thể được sử dụng để điều trị lạc nội mạc tử cung có liên quan đến vô sinh. Phụ nữ có polyp hoặc u xơ trong tử cung cũng có thể tiến hành phẫu thuật.

7. Phẫu thuật được sử dụng để điều trị vô sinh hiếm muộn ở nam giới như thế nào?
Một vấn đề phổ biến dẫn đến vô sinh nam là giãn tĩnh mạch ở bìu. Tình trạng này có thể được điều trị bằng phẫu thuật.

8. Điều trị vấn đề liên quan đến hormone ở phụ nữ như thế nào?
Nồng độ hormone bất thường có thể gây rụng trứng không đều hoặc không rụng trứng. Chuyên gia y tế có thể kiểm tra nồng độ của một số hormone. Nếu tìm thấy vấn đề về hormone sẽ đưa ra hướng điều trị để khắc phục nó. Điều trị này giúp cải thiện cơ hội mang thai ở phụ nữ.

9. Kích thích rụng trứng là gì?
Kích thích rụng trứng là việc sử dụng thuốc để giúp buồng trứng của nữ giới phóng thích trứng. Điều trị này được sử dụng khi người phụ nữ rụng trứng không đều hoặc hoàn toàn không xảy ra hiện tượng rụng trứng khi các nguyên nhân khác đã được loại trừ. Kích thích rụng trứng có thể được sử dụng kết hợp với các phương pháp điều trị vô sinh khác.

10. Kích thích rụng trứng được thực hiện như thế nào?
Thuốc uống dùng để gây rụng trứng bao gồm: Clomiphene Citrate, thuốc ức chế aromatase và thuốc hạ Insulin. Khi dùng các loại thuốc này, nữ giới sẽ được theo dõi để giám sát khi nào rụng trứng xảy ra. Điều này có thể được thực hiện bằng cách theo dõi chu kỳ kinh nguyệt hoặc sử dụng dụng cụ dự đoán rụng trứng (xét nghiệm nước tiểu tại nhà). Phụ nữ có thể được yêu cầu đến bác sĩ để kiểm tra máu hoặc siêu âm để xác định trứng rụng.

11. Những rủi ro liên quan đến việc kích thích rụng trứng?
Sinh đôi xảy ra ở 5 - 8% phụ nữ được điều trị bằng thuốc Clomiphene Citrate và thuốc ức chế aromatase. Sinh ba hoặc sinh nhiều hơn thường hiếm gặp hơn. Nguy cơ mang đa thai cao hơn khi sử dụng gonadotropin. Có tới 30% trường hợp mang đa thai khi sử dụng gonadotropin. Nếu quá nhiều trứng phát triển, chuyên gia Y tế có thể can thiệp hoãn chu kỳ để giảm khả năng mang đa thai.

Kích thích rụng trứng, đặc biệt là với gonadotropin, có thể dẫn đến hội chứng quá kích buồng trứng. Phụ nữ trải qua quá trình rụng trứng cần được theo dõi tình trạng này.

Một nguy cơ khác của việc sử dụng gonadotropin đó là mang thai ngoài tử cung. Đây là một thai kỳ bắt đầu phát triển ở một nơi khác ngoài tử cung, thường là ở một trong các ống dẫn trứng. Thai ngoài tử cung cần điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.

12. Bơm tinh trùng vào buồng tử cung là gì?
Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) nghĩa là tinh trùng khỏe mạnh được bơm vào tử cung ở thời điểm càng gần thời điểm rụng trứng càng tốt. IUI có thể được sử dụng kết hợp với kích thích rụng trứng. Tinh trùng có thể lấy từ đối tác của người phụ nữ hoặc từ nguồn tinh trùng hiến tặng. Tinh trùng đã được thu thập trước đó và đông lạnh cũng có thể được sử dụng.

13. Những rủi ro liên quan đến IUI?
Nếu thuốc kích thích rụng trứng được sử dụng cùng với phương IUI, hiện tượng đa thai có thể xảy ra. Nếu có quá nhiều trứng đang phát triển tại thời điểm thụ tinh, việc thụ tinh có thể bị hoãn lại.

14. Công nghệ hỗ trợ sinh sản là gì?
Công nghệ hỗ trợ sinh sản bao gồm tất cả các phương pháp điều trị sinh sản trong đó tác động đến cả trứng và tinh trùng. Công nghệ hỗ trợ sinh sản thường liên quan đến thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Với IVF, tinh trùng được kết hợp với trứng trong phòng thí nghiệm và sau đó phôi được chuyển đến tử cung. IVF được thực hiện với nguyên nhân gây vô sinh sau đây:

  • Tổn thương hoặc tắc ống dẫn trứng không thể điều trị bằng phẫu thuật
  • Một số yếu tố vô sinh nam
  • Lạc nội mạc tử cung nặng
  • Suy buồng trứng sớm
  • Vô sinh không rõ nguyên nhân

15. IVF được thực hiện như thế nào?
IVF được thực hiện theo chu kỳ. Có thể mất nhiều hơn một chu kỳ để thành công. Bước đầu tiên trong IVF là kích trứng. Việc rụng trứng thường được kích thích với gonadotropin để tạo ra nhiều trứng. Trứng cũng có thể được lấy từ một nguồn hiến tặng. Trứng từng đông lạnh trước đây có thể được sử dụng.

Khi trứng đã sẵn sàng, một quy trình được thực hiện để lấy trứng trưởng thành khỏi buồng trứng. Việc thụ tinh trứng với tinh trùng có thể được thực hiện trong phòng thí nghiệm theo hai cách: (1) tinh trùng có thể được thêm vào trứng, (2) một tinh trùng có thể được tiêm vào mỗi trứng.

Trứng được kiểm tra vào ngày hôm sau để xem chúng đã được thụ tinh chưa. Vài ngày sau, một hoặc nhiều phôi được đặt vào tử cung. Bước này được gọi là chuyển phôi. Phôi cũng có thể đến từ một nguồn hiến tặng. Phôi khỏe mạnh không được chuyển vào tử cung có thể được đông lạnh và lưu trữ để sử dụng sau.

16. Những rủi ro liên quan đến IVF là gì?

Phụ nữ có nguy cơ mang đa thai với kỹ thuật IVF

Phụ nữ có nguy cơ mang đa thai với kỹ thuật IVF. Một số cách có thể được thực hiện để giúp ngăn ngừa hiện tượng đa thai. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy có quá nhiều trứng đang phát triển, mũi tiêm kích thích rụng trứng có thể bị trì hoãn hoặc không được tiêm. Chuyên gia y tế cũng có thể giới hạn số lượng phôi được chuyển vào tử cung của người phụ nữ.

Một số nghiên cứu cho thấy IVF có thể liên quan đến nguy cơ tăng nhẹ sự xuất hiện của các dị tật bẩm sinh. Các nghiên cứu khác cho thấy sự gia tăng này có thể liên quan đến nguyên nhân cơ bản gây vô sinh hoặc đến tuổi tác của một số cặp vợ chồng vô sinh. Nếu lo lắng về dị tật bẩm sinh, nữ giới có thể theo dõi siêu âm để tìm kiếm các vấn đề có thể xảy ra với thai kỳ.

Nếu bạn đang phân vân trong việc lựa chọn địa điểm thăm khám và điều trị vô sinh hiếm muộn thì Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản (IVF Bảo Sơn) BVĐK Bảo Sơn là một trong những địa chỉ đáng tin cậy. Với mong muốn giúp đỡ hơn nữa những cặp vợ chồng hiếm muộn, IVF Bảo Sơn đã và đang không ngừng cố gắng và nỗ lực cải thiện chất lượng thăm khám - điều trị thông qua quá trình bồi dưỡng đội ngũ y bác sĩ, trang bị thiết bị y tế và các phương pháp chữa trị vô sinh. Để được tư vấn và giải đáp các thắc mắc về bệnh lý vô sinh hay có nhu cầu thực hiện thăm khám và điều trị tại Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản (IVF Bảo Sơn) BVĐK Bảo Sơn, vui lòng liên hệ Tổng đài 1900 599 858!

 
zalo
Thông Báo
Đóng