17/09/2021
Phụ nữ mang thai lưu ý gì trước, trong và sau khi tiêm vaccine Covid-19
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên được tiêm vaccine phòng Covid-19 và thuộc nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng. Vì vậy, chuẩn bị tinh thần, sức khỏe trước tiêm và theo dõi sau khi tiêm vaccine Covid-19 vô cùng quan trọng.
Theo thống kê, phụ nữ mang thai mắc Covid-19 có khả năng chuyển biến nặng nề hơn so với người bình thường, thai nhi có nguy cơ bị lây nhiễm, sinh non, và đe dọa tính mạng của cả thai nhi và thai phụ.
Tiêm vaccine Covid-19 cho vaccine cho phụ nữ mang thai trên từ 13 tuần trở lên có cơ sở khoa học, đảm bảo tính an toàn cho cả mẹ và con. Đây là cơ hội tốt để tạo ra "vùng xanh" bảo vệ đối tượng phụ nữ và trẻ em trước sự diễn tiến nguy hiểm của đại dịch.
Cũng như người bình thường, phụ nữ mang thai sau 13 tuần cần được khám thai, đánh giá tình trạng sức khỏe thai, khám sàng lọc kỹ, cẩn thận để quyết định có đủ điều kiện tiêm không, tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế trước, trong và sau khi tiêm vaccine.
Tuy nhiên, phụ nữ mang thai là nhóm đối tượng đặc thù nên việc tiêm vaccine Covid-19 cần được cần được thực hiện tại bệnh viện có cấp cứu Sản khoa, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí an toàn trong tiêm chủng như khả năng cung ứng và lưu trữ vắc xin, thực hành tiêm chủng an toàn, đội ngũ nhân viên y tế giàu kinh nghiệm.
Những lưu ý trước, trong và sau khi tiêm vaccine
Chuẩn bị sức khỏe trước khi tiêm chủng
Trước khi tiêm vaccine, mẹ bầu nên ăn uống hợp lý để tăng cường sức khỏe, không sử dụng chất kích thích, ngủ đủ giấc để giữ thể trạng tốt nhất trước ngày tiêm. Ngoài ra, mẹ có thể ăn nhẹ trước khi tiêm, để tránh bị hạ đường huyết trong quá trình chờ tiêm.
Khám sàng lọc với bác sĩ Sản khoa
Phụ nữ mang thai là đối tượng nhạy cảm, nên quy trình khám sàng lọc đòi hỏi tính an toàn, cẩn trọng hơn rất nhiều. Ngoài những câu hỏi về loại thuốc đang sử dụng, tiền sử dị ứng, tiền sức bệnh, có bệnh nền không, đo huyết áp,…, mẹ bầu cần được khám thai để bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi để ra quyết định tiêm vaccine và cần theo dõi đặc biệt sau tiêm không.
An toàn phòng dịch trong quá trình tiêm chủng
Mẹ bầu đi tiêm vaccine nên tuân thủ 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế, và test nhanh Covid-19 theo quy định phòng dịch của địa điểm tiêm chủng
Trong ngày đi tiêm chủng cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết như: CMND/CCCD, giấy khám thai gần nhất, đơn thuốc đang sử dụng, hồ sơ tiền sử bệnh,…
Tìm hiểu thông tin về loại vaccine được tiêm
Tất cả thông tin về loại vaccine được tiêm, liều lượng, hạn sử dụng, lịch tiêm nhắc lại mũi 2 của vaccine đều được thông tin trước đến mẹ bầu.
Mẹ bầu nên hoàn tất mũi hai của vaccine trước 36 tuần 6 ngày. Nếu không kịp hoàn tất lịch tiêm, mũi hai sẽ được tiêm trong thời kỳ hậu sản. Cụ thể:
- AstraZeneca: Hai mũi cách nhau tối thiểu 4 tuần, tốt nhất là 8-12 tuần.
- Moderna: Hai mũi cách nhau tối thiểu 4 tuần.
- Pfizer: Hai mũi cách nhau tối thiểu 3 tuần.
Lưu ý, lịch tiêm vaccine khác của phụ nữ mang thai như vaccine uốn ván, bạch hầu - ho gà - uốn ván, cúm, viêm gan B cần tiêm cách ít nhất là 14 ngày trước khi tiêm vaccine Covid-19 và cách 28 ngày sau khi tiêm vaccine Covid-19.
Theo dõi sau khi tiêm chủng
Cũng như các đối tượng khác, mẹ bầu cũng có thể gặp một số tác dụng phụ của vaccine như các biểu hiện tại chỗ tiêm hoặc toàn thân.
Vì vậy, sau khi tiêm mẹ cần phải ở lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi tình trạng sức khỏe nhằm phát hiện và xử trí kịp thời những dấu hiệu bất thường như sốt cao, tím tái, thở dốc. Đồng thời, chủ động theo dõi sức khỏe tại nhà trong 24 giờ đầu tiên và 7 ngày sau tiêm theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Sau khi tiêm, mẹ bầu nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước, bổ sung rau xanh, trái cây vào khẩu phần ăn mỗi ngày. Khi có triệu chứng sốt cao trên 38,5 độ và đau cơ, mẹ cần được hạ sốt ngay bằng với 1 viên Panadol 500mg cách mỗi 4 – 6 giờ
Nếu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hơn như nổi mề đay, mệt tức ngực, khó thở, choáng váng, đau bụng nhiều,.., mẹ bầu cần thông báo với bác sĩ và đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Phụ nữ mang thai có thể tiêm vaccine phòng Covid-19 ở đâu?
Với những lợi ích cao hơn gấp nhiều lần so với những nguy cơ tiềm ẩn, phụ nữ mang thai đủ điều kiện được khuyến cáo tiêm vắc xin phòng Covid-19 càng sớm càng tốt, bên cạnh đó cần hạn chế tiếp xúc, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa được khuyến cáo ở mức độ cao để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
Căn cứ vào số lượng vaccine Covid-19 mà Bộ Y tế phân bổ cho thành phố Hà Nội và Công văn số 13827/SYT-NVY về việc tiếp tục triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã phân bổ cho 30 quận, huyện, thị xã.
Phụ nữ đang mang thai trên 13 tuần nếu có nhu cầu tiêm vaccine phòng Covid-19 sẽ đăng ký với địa phương nơi sinh sống để địa phương tổng hợp danh sách. Sau đó, Sở Y tế sẽ phân luồng tiêm và chỉ tiêm theo danh sách đã được Quận phê duyệt và gửi cho các bệnh viện có khoa sản trên địa bàn thành phố.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố và Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn sẽ tiếp nhận danh sách từ Quận và phối hợp thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 cho phụ nữ mang thai trên 13 tuần.
Vì vậy, phụ nữ mang thai trên 13 tuần đăng ký ngay với trung tâm Y tế Phường nơi mình đang sinh sống để được lập danh sách sớm nhất.
Để biết thêm chi tiết về dịch vụ Thai sản trọn gói tại Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn và chương trình tiêm vaccine phòng Covid-19, mẹ bầu vui lòng gọi tới Hotline 091 585 0770 hoặc Tổng đài 1900 599 858 để được tư vấn miễn phí.