icon-hd
Hotline
091 585 0770
icon-hd
Tổng đài
1900 599 858
Đặt lịch
Khám bệnh
Tra cứu
Bệnh án

24/06/2021

Nhân tuyến giáp: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Tuyến giáp có nhân là một trong những biểu hiện bệnh lý thường gặp ở vị trí trước cổ. Các khối nhân hình thành một cách âm thầm khiến bác sĩ chẩn đoán và nhận biết bệnh gặp không ít khó khăn. Bởi thế tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị nhân tuyến giáp sẽ giúp ích cho bạn trong việc sớm phát hiện bệnh.

1. Nhân tuyến giáp là gì?

Nhân tuyến giáp là sự phát triển bất thường của các tế bào tuyến giáp tạo thành 1 khối trong tuyến giáp làm thay đổi cấu trúc và chức năng nội tiết của tuyến giáp.

Hầu hết phần lớn các nhân tuyến giáp là lành tính, tuy nhiên tỷ lệ nhỏ các nhân này chứa tế bào ung thư. Để chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến giáp ở giai đoạn sớm nhất, hầu hết các nhân tuyến giáp cần được chẩn đoán chính xác bởi các sĩ chuyên khoa. Nếu nằm trong trường hợp tỷ lệ nhỏ phát hiện u tuyến giáp ác tính thì khi có biểu hiện của bệnh cần đi khám chuyên khoa để các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác, phát hiện sớm bướu nhân hay là ung thư để điều trị kịp thời.

2. Nguyên nhân gây nên nhân tuyến giáp

Có nhiều nguyên nhân khác nhau làm phát triển nhân tuyến giáp:

  • Di truyền: 

Đột biến gen cũng được đánh giá là một trong số những nguyên nhân phổ biến nhất và là yếu tố nguy cơ cao nhất dẫn đến việc mắc các bệnh tuyến giáp, trong đó có nhân tuyến giáp. 70% bệnh nhân bị bệnh bướu nhân tuyến giáp có người thân trong gia đình hoặc bố, mẹ bị mắc bệnh như bướu cổ đơn thuần, u giáp,...

  • Thiếu i - ốt: 

Tuyến giáp có thể xuất hiện nhân tuyến giáp nếu chế độ ăn uống thiếu i - ốt. Tình trạng này hiếm khi xảy ra vì hầu hết người dân ở các quốc gia phát triển đều có chế độ ăn uống đủ i ốt.

nguyên nhân nhân tuyến giáp

  • Tuổi và giới tính:

Theo nhiều nghiên cứu thì tuyến giáp có nhân xuất hiện ở bệnh nhân nữ nhiều hơn nam. Nguyên nhân được cho rằng là do cấu tạo giải phẫu của cơ thể nữ để thực hiện các nhiệm vụ sinh lý đồng thời phải trải qua nhiều cột mốc thay đổi nội tiết tố: dậy thì, kinh nguyệt, mang thai và sinh con, cho con bú và mãn kinh. Không có giới hạn về độ tuổi mắc bệnh bởi bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân của bệnh. Tuy nhiên, những người mắc thường rơi vào độ tuổi cao nhất trung đến cao niên.

3. Triệu chứng thường gặp của nhân tuyến giáp

Nhân tuyến giáp thường không gây triệu chứng. Các nhân tuyến giáp được phát hiện tình cờ khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc qua chụp CT scan hoặc siêu âm cổ vì những lý do khác nhau.

Đôi khi, bệnh nhân tự phát hiện nhân giáp khi soi gương thấy cổ to hơn, khi cài nút cổ áo, hoặc khi đeo vòng cổ. Kết quả xét nghiệm chức năng tuyến giáp bất thường thỉnh thoảng là lý do phát hiện nhân tuyến giáp. Nhân tuyến giáp có thể sản xuất quá nhiều hormon giáp gây cường giáp.

Tuy nhiên, đa phần các nhân tuyến giáp, kể cả ung thư tuyến giáp, thường không ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Nghĩa là xét nghiệm TSH bình thường. Trong trường hợp hiếm, bệnh nhân nhân tuyến có thể thấy đau cổ, hàm, hoặc tai. Nếu nhân tuyến giáp đủ lớn chèn ép vào khí quản hoặc thực quản, bệnh nhân có thể thấy khó thở, khó nuốt, hoặc có cảm giác vướng ở cổ họng, giọng nói bị khàn đi. Thậm chí ít gặp hơn, bệnh nhân có thể khàn tiếng. Nếu nhân giáp xâm lấn vào dây thần kinh chi phối các dây thanh âm nhưng thường là do ung thư tuyến giáp.

Những điểm quan trọng cần nhớ là:

  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp thường bình thường ngay cả khi ung thư.

  • Nhân tuyến giáp thường không gây triệu chứng.

  • Cách tốt nhất phát hiện nhân tuyến giáp là cần bác sĩ thăm khám cổ của bạn.

Khi nhân giáp hoạt động quá mức, gia tăng sản xuất hormone tuyến giáp, gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể. Khi đó, cơ thể bệnh nhân thường xuất hiện một số triệu chứng của rối loạn chức năng tuyến giáp như: Tay run, tim đập nhanh, hồi hộp trống ngực, ra nhiều mồ hôi, mất ngủ, cơ thể mệt mỏi, yếu cơ, sút cân,...

4. Bị nhân tuyến giáp có nguy hiểm không? 

Phần lớn trường hợp là nhân lành tính. Để xác định chính xác đó là nhân tuyến giáp lành tính hay ác tính bệnh nhân được tiến hành một số biện pháp chẩn đoán đánh giá nhân tuyến giáp.

dấu hiệu nhân tuyến giáp

Khi có dấu hiệu nghi ngờ tuyến giáp có nhân, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm vùng cổ để xác định chính xác vị trí, kích thước và số lượng nhân tuyến giáp. Siêu âm cũng giúp xác định các nhân giáp có khả năng ung thư cao hay không dựa vào một số đặc điểm thường gặp của ung thư tuyến giáp biểu hiện trên siêu âm. Ngoài ra, siêu âm còn giúp bác sĩ thực hiện thủ thuật FNA được chính xác.

Sau đó, để xác định chính xác đó là bướu nhân lành tính hay ác tính, cần chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ dưới sự hướng dẫn của siêu âm, các bác sĩ tiến hành chọc kim nhỏ vào các nhân để lấy mẫu tế bào đem soi dưới kính hiển vi, tìm tế bào ác tính.

Kết quả sinh thiết có thể là:

  • Ác tính (dương tính): Chiếm khoảng 4 – 5% các trường hợp ở các dạng: thể nhú, thể nang, thể tủy và ung thư thể không biệt hóa.

  • Lành tính (âm tính): Chiếm khoảng 69 – 74%, ở các dạng như bướu keo, viêm tuyến giáp bán cấp, viêm tuyến giáp Hashimoto, nang tuyến giáp.

  • Không xác định (nghi ngờ): Quá sản nang, quá sản tế bào Hurthle hoặc có kết quả nghi ngờ (nhưng không khẳng định) ung thư.

  • Không có chẩn đoán hoặc không đầy đủ: chiếm khoảng 5% trong số các trường hợp sinh thiết dưới hướng dẫn siêu âm. Kết quả đó là do khi thực hiện thủ thuật FNA không lấy được nhiều tế bào nhân tuyến giáp. Đối với trường hợp này, thường sẽ phải tiến hành FNA lần 2 hay phẫu thuật phụ thuộc vào đánh giá của bác sĩ.

Ngoài ra còn có các phương pháp chẩn đoán đánh giá nhân tuyến giáp có giá trị cao như xạ hình tuyến giáp, xét nghiệm sinh hóa.

5. Các phương pháp điều trị nhân tuyến giáp hiện nay

Hiện nay với những tiến bộ của y học hiện đại thì tình trạng tuyến giáp hình thành nhân có thể được phát hiện nếu bệnh nhân có các biểu hiện lâm sàng kết hợp cùng với thăm khám sờ nắn thấy có khối u. Để có kết luận chính xác nhất về bệnh, bác sĩ sẽ cho chỉ định thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu, siêu âm tuyến giáp hoặc chọc hút tế bào.

  • Phẫu thuật 

Đây là phương pháp truyền thống được sử dụng trong trường hợp khối u to gây chèn ép, vướng víu khó chịu. Phẫu thuật sẽ cắt bỏ phần nhân hình thành tuy nhiên vết cắt ở cổ khó che nay ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ, lại có nhiều nguy cơ tiềm ẩn như nhiễm trùng sau phẫu thuật,...

  • Laser 

Điều trị bằng laser là một phương pháp mới áp dụng với cá bệnh nhân lành tính trong trường hợp bệnh nhân có các biểu hiện như đau, rát cổ, khó thở, khó nuốt, khàn giọng,... Đây là kỹ thuật không gây đau, không cần gây mê và tránh được các tổn thương, nhiễm trùng hay sẹo và có thời gian điều trị nhanh chóng. 

  • Đốt sóng cao tần

Kỹ thuật đốt sóng cao tần RFA là một trong những phương pháp điều trị nhân tuyến giáp hiệu quả và an toàn hiện nay. Đây là phương pháp sử dụng sóng điện cao tần để giảm kích thước của khối u mà không để lại sẹo và không gây đau, cho kết quả nhanh chóng. Điều trị RFA sẽ thường được chỉ định trong các trường hợp: u lành tính có kích thước lớn hơn 20mm, bệnh nhân yêu cầu tính thẩm mỹ trong điều trị, các nang đặc trên 50% hoặc u độc tuyến giáp.

  • Thyroxin 

Quá trình điều trị với Thyroxin nhằm hạn chế kích thước của nhân tuy nhiên hiệu quả thấp và cần thời gian khá lâu. Phương pháp này thường áp dụng với các khối nhân nhỏ và chưa gây nhiều nguy hiểm cho người bệnh. 

  • Iod phóng xạ 

Những trường hợp tuyến giáp có nhân hoặc ung thư tuyến giáp sẽ được điều trị bằng iod phóng xạ. Tuy nhiên phương pháp này có thể để lại một số tác dụng phụ như: đau má, đau họng, viêm tuyến nước bọt, buồn nôn, mệt mỏi,... Một số ít trường hợp người bệnh bị nhiễm độc phóng xạ. 

Nhân tuyến giáp lành tính cần được theo dõi thường xuyên bằng siêu âm mỗi 6-12 tháng và thăm khám lâm sàng hàng năm, có thể tiến hành xét nghiệm FT4, TSH và chọc hút tế bào tuyến giáp nếu cần. Sau điều trị, bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ đánh giá tình trạng tái phát bướu nhân và đánh giá tình trạng suy giáp để có biện pháp.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh tật, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu. Việc lựa chọn cơ sở y tế và chuyên gia để thăm khám cũng là điều bạn nên cân nhắc kĩ lưỡng. Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn quy tụ đội ngũ bác sĩ chuyên gia đầu ngành sẽ giúp bạn phát hiện và điều trị những bệnh lý nội tiết bằng những phương pháp tối ưu nhất.

điều trị nhân tuyến giáp

Để đặt lịch thăm khám và tư vấn với bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực điều trị các bệnh lý nội tiết tại Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn, mời bạn vui lòng liên hệ Hotline 091 997 3194 hoặc Tổng đài 1900 599 858.

(Bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa)

 
zalo
Thông Báo
Đóng