22/07/2019
Siêu âm độ mờ da gáy - giải tỏa nỗi lo con dị tật của mẹ bầu
Mẹ bầu khi mang thai thường được bác sĩ tư vấn nên siêu âm độ mờ da gáy vào tháng thứ 3. Tuy nhiên, rất nhiều mẹ bầu còn rất mơ hồ về khái niệm, ý nghĩa của phương pháp đo độ mờ da gáy.
1. Siêu âm độ mờ da gáy là gì?
Siêu âm đo độ mờ da gáy hay còn gọi là đo khoảng sáng sau gáy là một trong những biện pháp sàng lọc trước sinh phổ biến mà các mẹ bầu đều rỉ tai nhau thực hiện. Độ mờ da gáy là sự tích tụ chất dịch ở vùng da sau gáy của thai nhi. Dịch tích tụ có ở tất cả trẻ khỏe mạnh nhưng với trẻ mắc hội chứng Down, chất dịch này dày hơn bình thường.
2. Đo độ mờ da gáy giúp giải tỏa nỗi lo sinh con dị tật
Đo độ mờ da gáy là một trong những xét nghiệm quan trọng nhất trong suốt 9 tháng thai kì và thường được chỉ định thực hiện ở tháng thứ 3. Thông qua các chỉ số độ mờ da gáy, các bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ mắc bệnh Down. Từ đó có căn cứ để xem mẹ bầu có cần làm thêm xét nghiệm khác không.
Siêu âm độ mờ da gáy ở tuần từ 11-14 là mốc rất quan trọng của thai kì
Hội chứng Down có ảnh hưởng lớn tới nhận thức và thể chất và rất dễ mắc các bệnh về tim mạch, tiêu hóa. Theo thống kê, tỉ lệ mắc bệnh Down chiếm 1/700 ca sinh nở và bất cứ mẹ bầu nào cũng có khả năng sinh con bị Down. Trẻ bị hội chứng này có nhiều mức độ khác nhau với các dấu hiệu điển hình như: cổ ngắn, mặt ngây ngô, chậm phát triển trí tuệ, thiếu cân, mắc các bệnh tim mạch,... Không chỉ ảnh hưởng tới tương lai của trẻ mà còn là gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội. Vì vậy, sàng lọc trước sinh thông qua siêu âm đo độ mờ da gáy là rất cần thiết.
3. Nên siêu âm độ mờ da gáy vào thời điểm nào?
Đo độ mờ da gáy thường được thực hiện vào tuần thứ 11-14 của thai kì. Theo các chuyên gia sản khoa, đây là thời điểm vàng cho ra kết quả chính xác nhất. Nếu thực hiện quá sớm trước 11 tuần, bào thai còn quá nhỏ sẽ cho kết quả không chính xác. Hoặc nếu siêu âm quá muộn sau tuần 14 thì độ mờ da gáy sẽ trở lại bình thường, lúc này kết quả sẽ không còn ý nghĩa. Do vậy, các mẹ bầu nên lưu ý cột mốc này để đi siêu âm đúng thời điểm.
4. Phương pháp đo độ mờ da gáy
Đo độ mờ da gáy thường được thực hiện bằng cách siêu âm bụng hoặc siêu âm đầu dò. Cũng như siêu âm thai bình thường, kĩ thuật này hoàn toàn không gây đau hay tổn hại gì cho thai nhi. Trong lần kiểm tra này, bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng máy đo sonographer để tính tuổi thai. Đo chiều dài của bé từ đỉnh đầu đến phần cuối xương sống và độ mờ da gáy. Trên màn hình sẽ hiển thị phần màu trắng chính là cho làn da của bé và phần màu đen là phần dịch tích tụ sau gáy. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ tư vấn siêu âm đầu dò để có kết quả chính xác hơn phụ thuộc vào cơ địa của mẹ bầu.
5. Độ mờ da gáy bao nhiêu là bình thường?
Thông qua kết quả siêu âm, bác sĩ có thể đánh giá chính xác 75% tình trạng sức khỏe của bé:
- Ở 11 tuần tuổi độ mờ da gáy khoảng 2 mm
- Thai nhi 13 tuần có độ mờ da gáy 2,8 mm
- Chỉ số độ mờ da gáy càng thấp thì càng ít có nguy cơ mắc bệnh
- Chỉ số ở trẻ bình thường <2,5mm, từ 3mm trở lên được coi là bất thường.
Sàng lọc trước sinh qua độ mờ da gáy giúp xác định sớm nguy cơ mắc hội chứng Down
6. Kết quả siêu âm độ mờ da gáy cao, mẹ nên làm gì?
Trong trường hợp chỉ số độ mờ da gáy ở mức nguy cơ, mẹ cũng không nên quá lo lắng vì độ chính xác của kĩ thuật này khoảng 75% nên chưa thể kết luận. Lúc này, các bác sĩ sẽ tư vấn mẹ làm thêm một số xét nghiệm máu, chọc ối hoặc CVS.
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ theo dõi sự phát triển của thai nhi thông qua siêu âm ở mốc từ 18 đến 20 tuần để phát hiện thêm các bất thường khác của nhiễm sắc thể. Nếu làm thêm các xét nghiệm vẫn cho thấy bé bị Down, mẹ bầu cần bình tĩnh lắng nghe tư vấn từ bá sĩ để nắm được tình hình và có những quyết định sáng suốt nhất.
Để được tham khảo và biết thêm thông tin về phương pháp sàng lọc trước sinh không xâm lấn NIPT, mẹ bầu xin vui lòng liên hệ Tổng đài 1900 599 858 hoặc Hotline 091 585 0770.