07/01/2022
Cơn gò tử cung - dấu hiệu, phân loại và cách xử trí mẹ bầu cần nên biết
Cơn gò tử cung thường xuất phát từ 1 điểm ở góc tử cung, rồi sau đó lan tỏa đều khắp thân tử cung, là động lực của cuộc chuyển dạ đẻ. Và không phải cơn gò nào tử cung cũng báo hiệu sắp chuyển dạ, sinh non hay dọa sảy. Mẹ bầu cần nên biết về các cơn gò để có 1 thai kỳ khỏe mạnh.
1. Cơn gò tử cung là gì?
Trong quá trình mang thai, thông thường các mẹ sẽ thấy tử cung co cứng lại, thỉnh thoảng có đi kèm theo cảm giác đau thắt như khi có kinh nguyệt. Đây chính là những cơn gò tử cung. Cơn gò tử cung thực chất có tác dụng đẩy thai nhi vào đúng vị trí sinh để chuẩn bị chào đời cho thuận tiện cả mẹ lẫn con. Tuy nhiên, không phải chỉ khi nào sắp chuyển dạ mẹ mới gặp những cơn gò tử cung mà nó có thể đến sớm, có thể từ giai đoạn giữa thai kỳ.
2. Các loại cơn gò tử cung thường gặp
Có nhiều kiểu gò tử cung khác nhau, nhưng có 3 loại gò cơ bản mà mẹ bầu cần nên biết để phân biết chính xác.
2.1.Cơn gò sinh lý (Braxton - Hicks)
Cơn gò sinh lý là những cơn gò tử cung xuất hiện vào khoảng tháng thứ 4 của thai kỳ. Những cơn gò này xuất hiện không thường xuyên và không đều. Đó như là 1 bài tập luyện trước đẻ mẹ chuẩn bị tâm lý cho giai đoạn chuyển dạ thật sự.
Cơn gò sinh lý thường có những đặc điểm sau:
-
Nếu mẹ thay đổi tư thế, cơn gò sẽ biến mất
-
Thường không đau
-
Cảm giác căng cứng bụng dưới
-
Mỗi cơn gò không kéo dài, chỉ khoảng 30 giây cho đến dưới 1 phút
-
Không có tần suất cố định
Khi thấy có xuất hiện những cơn gò như thế, mẹ bầu không cần quá lo lắng, mẹ chỉ cần nằm hoặc ngồi xuống nghỉ ngơi, thư giãn là cơn gò sẽ biến mất. Những cơn gò này xuất hiện nhiều hơn khi mẹ mệt mỏi, mất nước hoặc đi đứng quá nhiều nên mẹ bầu cần lưu ý.
2.2. Cơn gò tử cung lúc chuyển dạ
Khi em bé sẵn sàng chào đời thì sẽ xuất hiện những cơn gò tử cung để đẩy em bé ra ngoài. Những cơn gò này có xu hướng tăng dần về cường độ, thời gian mỗi cơn và khoảng cách giữa các cơn gò
Cơn gò lúc chuyển dạ được chia thành 2 giai đoạn
-
Giai đoạn chuyển dạ sớm:
Những cơn gò này thường nhẹ, mẹ bầu chỉ cảm thấy căng cứng tử cung hoặc bụng dưới. Mỗi cơn gò kéo dài từ 30 - 90 giây, lặp lại khoảng 5 phút sau đó tăng dần cả về thời gian và cường độ. Trong giai đoạn này, mẹ cũng nên chú ý đến những dấu hiệu chuyển dạ như rỉ ối, chất nhầy màu hồng chảy ra,....
-
Giai đoạn chuyển dạ thực sự
Lúc này những cơn gò xuất hiện nhiều hơn, lâu hơn và dày hơn so với giai đoạn trước. Ở giai đoạn chuyển dạ, cổ tử cung sẽ mở rộng khoảng 4 -10cm để chuẩn bị cho em bé ra ngoài. Với những cơn gò gây đau cứng bụng và lưng, mẹ bầu có thể bị chuột rút ở chân. Mẹ bầu hãy đến bệnh viện ngay khi thấy các cơn gò kéo dài từ 45 -60 giây và tần suất lặp lại khoảng 3-5 phút/ lần. Thậm chí có các cơn gò có thể nối tiếp, chồng lên nhau để đẩy thai nhi ra ngoài.
3. Tại sao có các cơn gò tử cung
Tử cung có khả năng giãn nở và thay đổi thể tích phù hợp với sự phát triển của thai nhi. Bởi vậy, phần lớn các cơn co tử cung đều là hiện tượng bình thường trong thai kỳ, giúp tử cung co bóp chuẩn bị cho giây phút vượt cạn. Nhờ có các cơn co tử cung, thai nhi có thể dịch chuyển dần xuống xương chậu và cổ tử cung cũng như chúc đầu xuống dưới để chui ra khỏi bụng mẹ.
4. Xử trí như thế nào khi có cơn gò tử cung
Cơn gò tử cung sinh lý hay cơn gò lúc chuyển dạ đều có cách xử lý khác nhau để đảm bảo an toàn nhất cho cả mẹ và thai nhi. Mẹ bầu có thể tham khảo các mẹo sau để cảm thấy thoải mái khi có cơn gò xuất hiện:
- Nếu cơn gò sinh lý (Braxton Hicks), mẹ có thể dùng 1 chai nước ấm bọc trong khăn mềm để mẹ chườm lên bụng hoặc tắm bằng bồn nước ấm hay tắm bằng vòi hoa sen để cảm thấy dễ chịu hơn. Mẹ cũng chỉ cần nghỉ ngơi, giữ tinh thần thoải mái là các cơn gò cũng sẽ biến mất.
- Khi có dấu hiệu chuyển dạ, mẹ cần nhập viện ngay. Dù chưa đủ ngày đủ tháng cũng phải nhập viện để phòng trường hợp sinh non. Trong lúc này, mẹ bầu hãy giữ bình tĩnh không nên quá hoảng hốt, mẹ nên uống 1 cốc nước ấm và hít thở sâu, chậm.
5. Khi nào mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ
- Mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ sản phụ khoa khi thấy:
- Cơn co tử cung xuất hiện dồn dập kéo dài vài phút kèm theo đau bụng, nôn mửa và nhức lưng dữ dội. Đây là dấu hiệu sảy thai hoặc đẻ non.
- Nếu thấy tử cung có thắt lúc mạnh, lúc yếu không theo quy luật, em bé không cử động và bụng nhỏ dần, có thể thai đã chết lưu.
- Cơn co tử cung xuất hiện cùng dịch âm đạo chảy nhiều bất thường, có thể thai phụ đã bị vỡ ối hoặc rách nhau thai. Mẹ bầu cần đến bệnh viện ngay nếu không sẽ nguy hiểm cho tính mạng của hai mẹ con
- Tử cung trứng to và cứng, ấn vào thấy đau kèm theo những cơn cơ thắt không theo quy luật, hoa mắt chóng mặt, nôn mửa nhiều. Rất có thể nhau thai đã rụng sớm gây nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và bé.
- Tử cung có thắt không theo quy luật, kèm theo máu âm đạo nhưng không đau. Lúc này, có thể nhau thai đang nằm sai vị trí và mẹ bầu cần đi cấp cứu ngay.
6. Làm thế nào để mẹ bầu thoải mái hơn trong cơn gò
- Đi bộ hay thay đổi vị trí: mẹ bầu có thể thử đi bộ nếu thấy thoải mái tiếp tục. Lưu ý nên dừng lại để hít thở đoạn giữa các cơn gò.
- Ngồi thiền nếu như mẹ bầu có tập luyện trong quá trình mang thai
- Nghe nhạc giúp mẹ bầu có thể phần nào quên đi cơn đau đang diễn ra
- Nếu thai phụ có cảm giác buồn nôn hãy ngậm 1 thỏi kẹo ngọt để kiểm soát được tình trạng buồn nôn
Mọi thông tin về bệnh và dịch vụ Thai Sản trọn gói tại bệnh viện đa khoa Bảo Sơn, mẹ bầu xin vui lòng gọi tới Tổng đài 1900 599 858 hoặc Hotline 091 585 0770 để được tư vấn miễn phí.
(Bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa)