28/12/2017
Tìm hiểu về tăng huyết áp qua hướng dẫn trực quan
Tăng huyết áp là gì?
Tăng huyết áp là một tình trạng bệnh lý thường gặp ở những người lớn tuổi. Huyết áp là áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch. Khi áp lực này tăng lên, nó làm quả tim phải làm việc vất vả hơn và có thể gây nên những tổn thương nghiêm trọng cho động mạch. Theo thời gian, tăng huyết áp không được kiểm soát tốt sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, đột quỵ và bệnh thận.
Triệu chứng của tăng huyết áp
Tăng huyết áp đôi khi được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì người bệnh có thể bị tăng huyết áp mà không có triệu chứng trong nhiều năm liền. Trên thực tế, cứ mỗi năm người bị tăng huyết áp lại có một người không biết mình mắc bệnh: nó gây ra thương tổn cho tim, phổi, mạch máu, não và thận nếu không được điều trị. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ chính của đột quỵ và nhồi máu cơ tim tại Mỹ.
Nguyên nhân gây ra tăng huyết áp là gì?
Huyết áp bình thường ở người khoẻ mạnh là dưới 120/80 mmHg, một người với trị số huyết áp cao hơn trong thời gian dài có thể bị coi là có tăng huyết áp. Trong đa số các trường hợp, bác sĩ không tìm được nguyên nhân gây tăng huyết áp. Trị số huyết áp cao hơn (huyết áp tâm thu) là áp lực của máu lên thành mạch khi cơ tim co bóp; còn trị số nhỏ hơn (huyết áp tâm trương) là áp lực khi cơ tim giãn ra giữa hai lần co bóp. Trong số ít các trường hợp, có thể tìm được nguyên nhân gây tăng huyết áp do các bệnh lý thận và tuyến thượng thận.
Tiền tăng huyết áp: dấu hiệu cảnh báo
Gần một phần ba dân số Mỹ bị tiền tăng huyết áp. Trị số huyết áp của họ thường cố định ở mức cao hơn bình thường – với huyết áp tâm thu trong khoảng 120 đến 139 mmHg và huyết áp tâm trương trong khoảng 80 đến 89 mmHg. Những người có trị số huyết áp trong khoảng này thường có nguy cơ bị mắc các bệnh lý tim mạch cao hơn những người có huyết áp trong giới hạn bình thường. Bác sĩ sẽ tư vấn về việc thay đổi lối sống để giúp giảm trị số huyết áp của bạn.
Giới hạn nguy hiểm của tăng huyết áp
Ngay cả khi không có triệu chứng, bạn sẽ được chẩn đoán là tăng huyết áp nếu số đo huyết áp của bạn trên 140/90mmHg. Nếu huyết áp của bạn ở mức 180/110mmHg hoặc cao hơn, rất có thể bạn đang bị cơn tăng huyết áp. Hãy nghỉ ngơi vài phút và đo lại huyết áp của mình, nếu huyết áp vẫn giữ ở mức này, hãy gọi ngay cho 115. Cơn tăng huyết áp có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tổn thương thận, hoặc mất ý thức. Triệu chứng của cơn tăng huyết áp bao gồm đau đầu dữ dội, lo âu, chảy máu cam và cảm giác hụt hơi, khó thở.
Những ai có thể bị tăng huyết áp?
Ở độ tuổi dưới 45, nam giới bị tăng huyết áp nhiều hơn nữ giới, sau đó tỉ lệ là tương đồng giữa hai giới ở độ tuổi cao hơn, và nữ giới bị bệnh nhiều hơn nam giới kể từ tuổi 65 trở đi. Bạn sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn nếu một thành viên trong gia đình bị tăng huyết áp hoặc nếu bạn đang bị đái tháo đường. Khoảng 60% người bị đái tháo đường có kèm theo tăng huyết áp.
Tăng huyết áp và chủng tộc
Người Mỹ gốc Phi có xu hướng bị tăng huyết áp nhiều hơn và mắc bệnh ở độ tuổi trẻ hơn. Các nghiên cứu về gen đã chỉ ra rằng người Mỹ gốc Phi nhạy cảm hơn với muối ăn. Chế độ ăn và thừa cân cũng đóng một vai trò nhất định.
Tăng huyết áp và natri
Natri, một thành phần chính có trong muối, có thể gây tăng huyết áp do giữ nước, làm tăng gánh nặng cho tim. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kì khuyến cáo nên ăn ít hơn 1.500 miligram natri mỗi ngày. Bạn cần kiểm tra nhãn của thực phẩm và thực đơn hàng ngày một cách cẩn thận. Các loại thức ăn chế biến chứa nhiều muối, trong đó súp và thịt hộp là nguyên nhân hàng đầu.
Tăng huyết áp và stress
Stress có thể khiến huyết áp của bạn vọt lên cao, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy nó có thể gây nên tăng huyết áp. Tuy nhiên, stress có thể ảnh hưởng đến các yếu tố nguy cơ khác về bệnh lý tim mạch, vậy nên nó có mối liên quan gián tiếp với tăng huyết áp. Stress có thể tạo nên những thói quen không lành mạnh, ví dụ như chế độ ăn bừa bãi, lạm dụng rượu, hút thuốc lá; đây là những yếu tố nguy cơ chính của tăng huyết áp và bệnh lý tim mạch.
Tăng huyết áp và cân nặng
Thừa cân khiến quả tim của bạn phải làm việc vất vả hơn và làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp. Chính vì vậy, chế độ ăn để giảm huyết áp thường được thiết kế để kiểm soát calo hấp thu, điển hình là giảm đồ ăn nhiều dầu mỡ và đường, tăng các loại rau quả, protein trong thịt nạc và chất xơ. Ngay cả khi giảm được 10 pounds (khoảng 4.5 kg) cũng có thể tạo ra sự khác biệt.
Tăng huyết áp và bia rượu
Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng huyết áp của bạn. Khuyến cáo từ Hiệp hội Tim mạch học Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng mỗi ngày không nên uống quá 2 cốc với nam giới, và một cốc đối với nữ giới – với mỗi cốc tương đương 350ml bia, 120ml rượu vang, 45ml rượu 40 độ, hoặc 30ml rượu 50 độ.
Tăng huyết áp và cafein
Nếu cafein có thể làm bạn bồn chồn, dễ bị kích thích, vậy liệu nó có làm tăng trị số huyết áp của bạn không? Có vẻ như nó có một vài tác dụng phụ nào đó, tuy nhiên các nghiên cứu đã chỉ ra rằng không có mối liên quan giữa cafein và tăng huyết áp. Theo AHA, bạn có thể uống một hoặc hai tách cafe mỗi ngày.
Tăng huyết áp và thai nghén
Tăng huyết áp thai kì là một dạng tăng huyết áp xảy ra vào nửa sau của quá trình mang thai ở những phụ nữ chưa từng được chẩn đoán tăng huyết áp trước đó. Nếu không điều trị, tăng huyết áp thai kì có thể gây nên một tình trạng nghiêm trọng là tiền sản giật, có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Tình trạng này có thể giới hạn lượng máu và oxy đến thai nhi và ảnh hưởng tới thận và não của người mẹ. Sau khi em bé được sinh ra, huyết áp của người mẹ thường trở về bình thường.
Tăng huyết áp và thuốc
Các thuốc cảm cúm có thể chứa chất chống phù nề là một trong vô vàn những nhóm thuốc có thể gây tăng huyết áp. Các nhóm thuốc khác bao gồm thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID), steroids, viên ăn kiêng, thuốc tránh thai, và một vài nhóm thuốc chống trầm cảm. Nếu bạn bị tăng huyết áp, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc và các thực phẩm chức năng có thể ảnh hưởng đến huyết áp của bạn.
Tăng huyết áp áo choàng trắng
Một vài người có số đo huyết áp chỉ cao khi gặp bác sĩ, có thể vì họ đang lo lắng bồn chồn. Một vài người khác có số đo huyết áp không ổn định, chỉ thỉnh thoảng mới có trị số cao. Theo nghiên cứu mới đây, những người này có nguy cơ tiến triển thành tăng huyết áp thực thụ cao hơn người bình thường. Để có kết quả đo chính xác hơn, hãy tự đo huyết áp của bạn tại nhà, ghi lại và gửi cho bác sĩ của bạn.
Tăng huyết áp và trẻ em
Phần lớn các trường hợp tăng huyết áp gặp ở người lớn tuổi, tuy nhiên một số trẻ em cũng có thể bị tăng huyết áp. Huyết áp bình thường ở trẻ em thay đổi theo tuổi, chiều cao, giới tính, do đó bác sĩ sẽ thông báo nếu có bất thường. Trẻ em có nguy cơ cao nhất khi béo phì, gia đình có người bị tăng huyết áp hoặc trẻ em thuộc chủng tộc người Mỹ gốc Phi.
Điều trị: Chế độ ăn DASH
Bạn có thể giảm số đo huyết áp của bản thân bằng chế độ ăn hợp lý hơn. Chế độ ăn DASH – Dietary Approaches to Stop Hypertension – bao gồm ăn nhiều hoa quả, rau, thức ăn whole-grain, ít chất béo, cá, gia cầm, và các loại hạt. Bạn nên hạn chế ăn thịt đỏ, chất béo bão hoà, và đường. Giảm muối trong khẩu phần ăn cũng có tác dụng rõ rệt.
Điều trị: Chế độ luyện tập
Luyện tập thể dục hàng ngày giúp làm giảm huyết áp. Người trưởng thành nên tập khoảng 150 phút mỗi tuần với cường độ trung bình. Những bài tập này có thể chỉ đơn giản là làm vườn, đi bộ nhanh, đạp xe, hoặc các bài tập aerobic. Các bài luyện tập cơ bắp nên được tập ít nhất hai ngày mỗi tuần và nên tập tất cả các nhóm cơ.
Điều trị: Thuốc lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu thường là lựa chọn đầu tay nếu việc thay đổi chế độ ăn và chế độ luyện tập thể lực không có kết quả. Thường được gọi là “water pills”, thuốc lợi tiểu giúp cơ thể đào thải bớt lượng muối thừa và nước, từ đó làm giảm huyết áp. Điều này cũng có nghĩa là bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn. Một vài loại thuốc lợi tiểu làm giảm kali máu, gây nên yếu cơ, chuột rút chân và mệt mỏi. Một vài loại khác có thể làm tăng đường máu ở bệnh nhân đái tháo đường. Rối loạn cương dương là một tác dụng phụ ít gặp.
Điều trị: Thuốc chẹn beta giao cảm
Thuốc chen beta giao cảm có tác dụng làm giảm nhịp tim, giúp quả tim không phải làm việc quá vất vả. Nó cũng được dùng để điều trị một số rối loạn nhịp tim khác. Tác dụng phụ bao gồm buồn ngủ, chóng mặt, mệt mỏi, chân tay lạnh, và rối loạn cương dương.
Điều trị: Thuốc ức chế men chuyển
Thuốc ức chế men chuyển làm giảm lượng angiotensin II trong máu – đây là một chất gây co mạch và làm hẹp lòng mạch. Kết quả là sẽ làm mạch máu giãn ra, hạ huyết áp và giảm công làm việc của quả tim. Tác dụng phụ có thể là ho khan, phát ban trên da, chóng mặt, tăng kali máu. Phụ nữ không nên mang thai khi đang dùng thuốc ức chế men chuyển.
Điều trị: Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II
Thay vì làm giảm nồng độ angiotensin II trong máu, nhóm thuốc này chẹn các thụ thể của angiotensin II – giống như là khi bạn bọc một lớp bảo vệ bên ngoài ổ khoá vậy. Từ đó giúp làm giảm tác dụng co mạch của angiotensin II và làm hạ huyết áp. Thuốc ức chế thụ thể có thể phải mất nhiều tuần để đạt được tác dụng tối đa. Tác dụng phụ có thể gặp bao gồm chóng mặt, chuột rút cơ, buồn ngủ, tăng kali máu. Phụ nữ không nên mang thai khi đang sử dụng loại thuốc này.
Điều trị: Thuốc chẹn kênh can-xi
Thuốc chẹn kênh can-xi làm chậm dòng can-xi vào trong tế bào cơ tim và mạch máu. Do can-xi làm tăng co bóp của cơ tim, nhóm thuốc này làm giảm co bóp cơ tim và hạ huyết áp. Nhóm thuốc này có thể gây chóng mặt, đánh trống ngực, phù chân, và táo bón. Hãy dùng thuốc với thức ăn hoặc sữa, và tránh dùng nước hoa quả hay rượu vì có thể có tương tác thuốc xảy ra.
Điều trị: Các loại thuốc khác
Các loại thuốc khác có tác dụng giãn mạch máu bao gồm thuốc giãn mạch trực tiếp, thuốc chẹn alpha giao cảm, và thuốc ức chế thần kinh trung ương. Tác dụng phụ bao gồm chóng mặt, nhịp tim nhanh và đánh trống ngực, đau đầu, tiêu chảy. Bác sĩ của bạn có thể cho bạn dùng các thuốc này nếu các nhóm thuốc khác không có tác dụng hoặc nếu bạn có bệnh lý khác kèm theo.
Điều trị: Trị liệu bổ trợ
Ngồi thiền có thể giúp cơ thể bạn đi vào trạng thái nghỉ ngơi sâu, từ đó làm giảm huyết áp. Yoga, Thái cực quyền, hít thở sâu có thể có ích. Những kĩ năng bổ trợ này nên được kết hợp với việc thay đổi lối sống, ví dụ như chế độ ăn và luyện tập thể lực. Hãy chú ý rằng dùng thuốc Đông y có thể tương tác với các thuốc bạn đang dùng, một vài thuốc thảo dược có thể làm tăng huyết áp. Hãy nói với bác sĩ nếu bạn đang dùng các loại thảo dược hay thực phẩm chức năng khác.
Sống chung với tăng huyết áp
Tăng huyết áp là tình trạng bệnh lý kéo dài. Điều quan trọng nhất trong điều trị là phải uống thuốc đều và theo dõi sát huyết áp của bạn. Nếu đạt được mục tiêu điều trị, bạn sẽ làm giảm được nguy cơ đột quỵ, bệnh lý tim mạch và suy thận.