icon-hd
Hotline
091 585 0770
icon-hd
Tổng đài
1900 599 858
Đặt lịch
Khám bệnh
Tra cứu
Bệnh án

27/09/2023

Cảnh báo dấu hiệu bệnh tuyến giáp ở nữ

Các bệnh lý tuyến giáp để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt thường gặp ở nữ giới. Theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh tuyến giáp ở nữ cao hơn nam giới từ 5 - 8 lần. Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị bệnh tuyến giáp ở nữ như thế nào, Bệnh viện Bảo Sơn sẽ cung cấp thông tin đầy đủ cho các bạn qua bài viết dưới đây.

1. Những bệnh tuyến giáp thường gặp

Bệnh tuyến giáp là thuật ngữ chung gọi những rối loạn hormone xảy ra khi chức năng hoạt động của tuyến giáp có sự bất thường.

Bệnh tuyến giáp có thể ảnh hưởng tới bất kỳ ai, tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh tuyến giáp ở nữ thường cao hơn nam giới.

Tuyến giáp đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động trao đổi chất của cơ thể. Vì vậy, khi tuyến giáp sản xuất hormone quá nhiều hoặc quá ít đều sẽ gây ra những căn bệnh hoặc hội chứng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

1.1. Cường giáp

Cường giáp là tình trạng xảy ra do tăng tiết hormone tuyến giáp (triiodothyronine và thyroxine). Ngoài ra, chúng ta có thể mắc bệnh cường giáp do nguyên nhân như: Bệnh Basedow, bệnh bướu giáp thể đa nhân, viêm giáp, u tuyến độc, ăn quá nhiều iốt…

Bệnh nhân có thể gặp những triệu chứng sau:

- Căng thẳng và kích thích

- Đánh trống ngực và tim đập nhanh

- Sụt cân nhanh

- Bệnh nhân tăng số lần đi cầu hoặc bị tiêu chảy

- Khó ngủ, mất ngủ

- Kích ứng mắt kèm với tăng tiết nước mắt; nhìn đôi, lồi mắt...

1.2. Suy giáp

Suy giáp xảy ra khi tuyến giáp hoạt động kém hiệu quả, không thể tiết đủ hormone Thyroxine. Có thể kể đến một vài nguyên nhân gây bệnh sau:

- Người bệnh bị teo tuyến giáp

- Cơ thể người bệnh tự thiết lập cơ chế phá hủy tự miễn dịch, tình trạng viêm tuyến giáp tự miễn Hashimoto

- Biến chứng sau điều trị cường giáp, người bệnh bị ảnh hưởng bởi phẫu thuật, đồng hóa trị

- Thiếu i-ốt trong chế độ ăn hằng ngày

- Suy giáp bẩm sinh

- Thứ phát sau khi bị bệnh ở tuyến yên hoặc vùng dưới đồi

Bệnh suy giáp có những dấu hiệu rất mơ hồ và giống với biểu hiện của một số bệnh lý khác như buồn ngủ, mệt mỏi, giảm trí nhớ, khàn tiếng, táo bón, phụ nữ có thể bị chảy máu bất thường ở âm đạo, da khô, mắt và mặt bị phù nhẹ...

Trong trường hợp bệnh phát triển ở giai đoạn muộn, người bệnh có thể có các biểu hiện nghiêm trọng hơn như chán ăn, tinh thần và thể lực suy kiệt, rụng tóc nhiều, hội chứng da và niêm mạc biểu hiện với phù niêm, lưỡi to bè ra hai bên.

Bên cạnh đó, một số bệnh nhân xuất hiện những biểu hiện khác như nhịp tim chậm, huyết áp thấp, thậm chí có thể bị hôn mê đột ngột.

1.3. Viêm tuyến giáp

Viêm tuyến giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc suy giảm hoạt động tùy thuộc vào từng giai đoạn. Viêm tuyến giáp có thể xảy ra trên tuyến giáp bình thường hoặc trên bướu giáp.

Dựa vào nguyên nhân và triệu chứng, bệnh viêm tuyến giáp được chia thành một số loại như sau:

Viêm tuyến giáp bán cấp

Ban đầu, tuyến giáp sẽ sưng một bên rồi lan sang bên còn lại, đi kèm với triệu chứng đau nhức người, đau nhức cổ, nuốt vướng, khó thở, có thể sốt nhẹ.

Phần lớn những bệnh nhân mắc viêm tuyến giáp bán cấp sẽ được bác sĩ kê đơn điều trị theo từng triệu chứng bệnh và sẽ tự khỏi theo thời gian.

Viêm tuyến giáp Hashimoto

Ở giai đoạn đầu, bệnh không có triệu chứng rõ ràng. Nếu viêm tuyến giáp Hashimoto gây ra suy giáp thì bệnh nhân sẽ có biểu hiện tăng cân, mệt mỏi. Bên cạnh đó, một số người sẽ cảm thấy khó nuốt, sợ lạnh, táo bón, mạch chậm…

Khi viêm giáp Hashimoto gây ra suy giáp thì người bệnh sẽ phải điều trị bằng hormone tuyến giáp.

Viêm tuyến giáp xơ hóa mãn tính Riedel

Đây là thể viêm tuyến giáp hiếm gặp, chủ yếu gặp ở phụ nữ trung niên và lớn tuổi. Căn bệnh này gây ra suy giáp hoặc suy cận giáp. Khi mắc viêm tuyến giáp Riedel, bệnh nhân không có biểu hiện viêm, nhưng có sự xâm nhập xơ toàn bộ tuyến giáp gây các triệu chứng chèn ép xâm lấn như khàn tiếng, khó nuốt, khó vận động cổ.

1.4. Bướu lành tuyến giáp

Bướu lành tuyến giáp là loại bệnh thường gặp nhất của tuyến giáp. Bệnh phát triển âm thầm và không có những biểu hiện rõ ràng, không gây trở ngại đến đời sống sinh hoạt của bệnh nhân nên rất khó phát hiện.

Người bệnh chỉ cảm thấy khó chịu khi thấy vùng cổ phình lớn, nổi u cục, chèn ép các cơ quan xung quanh gây cảm giác khó nuốt, khó thở, ho nhiều...

1.5. Ung thư tuyến giáp

Chiếm 1% trong các loại ung thư, là bệnh lý ác tính của tuyến giáp. Triệu chứng ung thư tuyến giáp thường gặp là:

- Vùng cổ phình lớn trong thời gian ngắn, có hạch nổi lên bất thường

- Người bệnh thèm ăn, ăn nhiều nhưng vẫn sụt cân

- Chịu nóng kém, dễ đổ mồ hôi

- Tinh thần thường xuyên trong trạng thái căng thẳng, lo lắng, thay đổi thất thường

- Người bệnh nhanh cảm thấy bị mệt, chân tay mất sức, run không thể kiểm soát

- Khó vào giấc, mất ngủ, dễ tỉnh khi đang ngủ

- Rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ (ít ra kinh)

Nguyên nhân ung thư tuyến giáp được xác định do rối loạn hệ miễn dịch, di truyền, thay đổi hormone, nhiễm phóng xạ… Căn cứ vào tình trạng bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh xạ trị hoặc phẫu thuật cắt bỏ khối u.

2. Vì sao phụ nữ dễ mắc bệnh tuyến giáp hơn nam giới?

Trên thế giới có tới 1 tỷ người có nguy cơ thiếu i-ốt dẫn đến bệnh lý tuyến giáp. Chiếm phần lớn trong đó là phụ nữ. Lý giải cho điều này, có thể kể đến 3 nguyên nhân sau:

2.1. Cấu tạo cơ thể

Cấu tạo cơ thể nữ giới cũng như các chức năng sinh lý của nữ giới khác biệt so với nam giới. Phụ nữ phải trải qua nhiều cột mốc biến động về nội tiết tố hơn so với nam giới như: quá trình dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, sau sinh và cho con bú, thời kỳ mãn kinh.

2.2. Thay đổi hormone

Khi mang thai, cơ thể mẹ sẽ sinh ra 2 hormon chính: βhCG (human chorionic gonadotropin) và estrogen. Việc tăng βhCG trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể làm giảm nhẹ hóc môn TSH (hóc môn kích thích giáp trạng), lúc này gọi là cường giáp cận lâm sàng.

TSH sẽ tăng trở lại ở giai đoạn sau của thai kỳ. Estrogen (hóc môn sinh dục nữ) sẽ làm tăng hóc môn tuyến giáp gắn protein trong huyết thanh, tuy nhiên hóc môn tuyến giáp tự do (FT3, FT4) không tăng, do đó không ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Như vậy chức năng tuyến giáp vẫn bình thường nếu TSH, FT3 và FT4 bình thường.

2.3. Tuyến giáp thay đổi kích thước do mang thai

-Tuyến giáp có thể thay đổi về kích thước trong quá trình mang thai, với kích thước lớn hơn khoảng 10 - 15%, gọi là bướu cổ. Tỷ lệ này cao hơn ở phụ nữ sống ở vùng núi – nơi thiếu hụt i-ốt.

Để chẩn đoán tình trạng tăng kích thước tuyến giáp khi mang thai, siêu âm tuyến giáp là biện pháp tối ưu. Khi thai phụ phát hiện tăng kích thước tuyến giáp thì nên đến gặp bác sĩ để được xét nghiệm chức năng tuyến giáp.

Bệnh tuyến giáp gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng sinh sản của người phụ nữ. Đây là một trong những nguyên nhân gây hiếm muộn mà không nhiều người nghĩ tới.

Người mẹ gặp các vấn đề tuyến giáp trước và trong thai kỳ sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ cho cả mẹ và con. Vì vậy, hãy kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh tật, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu.

Việc lựa chọn cơ sở y tế và chuyên gia để thăm khám bệnh lý tuyến giáp cũng là điều bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng.

3. Điều trị tuyến giáp hiệu quả cùng chuyên gia nội tiết

Hiện nay với những tiến bộ của y học hiện đại thì việc thăm khám phát hiện biểu hiện bệnh tuyến giáp đã trở nên dễ dàng hơn. Các phương pháp điều trị bệnh tuyến giáp hiệu quả cao cũng được áp dụng đa dạng:

Phẫu thuật

Đây là phương pháp truyền thống được sử dụng trong trường hợp khối u to gây chèn ép, vướng víu khó chịu. Phẫu thuật sẽ cắt bỏ phần nhân hình thành tuy nhiên vết cắt ở cổ khó che nay ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ, lại có nhiều nguy cơ tiềm ẩn như nhiễm trùng sau phẫu thuật...

Laser

Điều trị bằng laser là một phương pháp mới áp dụng với cá bệnh nhân lành tính trong trường hợp bệnh nhân có các biểu hiện như đau, rát cổ, khó thở, khó nuốt, khàn giọng,... Đây là kỹ thuật không gây đau, không cần gây mê và tránh được các tổn thương, nhiễm trùng hay sẹo và có thời gian điều trị nhanh chóng.

Đốt sóng cao tần

Kỹ thuật đốt sóng cao tần RFA là một trong những phương pháp điều trị nhân tuyến giáp hiệu quả và an toàn hiện nay. Đây là phương pháp sử dụng sóng điện cao tần để giảm kích thước của khối u mà không để lại sẹo và không gây đau, cho kết quả nhanh chóng.

Điều trị RFA sẽ thường được chỉ định trong các trường hợp: u lành tính có kích thước lớn hơn 20mm, bệnh nhân yêu cầu tính thẩm mỹ trong điều trị, các nang đặc trên 50% hoặc u độc tuyến giáp.

Thyroxin

Quá trình điều trị với Thyroxin nhằm hạn chế kích thước của nhân tuy nhiên hiệu quả thấp và cần thời gian khá lâu. Phương pháp này thường áp dụng với các khối nhân nhỏ và chưa gây nhiều nguy hiểm cho người bệnh.

I-ốt phóng xạ

Những trường hợp tuyến giáp có nhân hoặc ung thư tuyến giáp sẽ được điều trị bằng iod phóng xạ. Tuy nhiên phương pháp này có thể để lại một số tác dụng phụ như: đau má, đau họng, viêm tuyến nước bọt, buồn nôn, mệt mỏi... Một số ít trường hợp người bệnh bị nhiễm độc phóng xạ.

Bệnh tuyến giáp cần được theo dõi thường xuyên bằng siêu âm mỗi 6-12 tháng và thăm khám lâm sàng hàng năm, có thể tiến hành xét nghiệm FT4, TSH và chọc hút tế bào tuyến giáp nếu cần. Sau điều trị, bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ đánh giá tình trạng tái phát bướu nhân và đánh giá tình trạng để có biện pháp.

Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn quy tụ đội ngũ bác sĩ chuyên gia đầu ngành sẽ giúp bạn phát hiện và điều trị những bệnh lý nội tiết nói chung và tuyến giáp nói riêng bằng hệ thống phương pháp tối ưu với chi phí hợp lý.

Để đặt lịch thăm khám và tư vấn với bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực điều trị các bệnh lý tuyến giáp tại Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn, mời bạn vui lòng liên hệ hotline 091 997 3194 hoặc tổng đài 1900 599 858.

(Bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa)

 
zalo
Thông Báo
Đóng