Câu chuyện của những người bị trầm cảm sau sinh
Rơi xuống vực thẳm mệt mỏi vì những mâu thuẫn với mẹ chồng
Vì còn phải thuê nhà, nên sinh đứa con đầu lòng, Lan phải chọn cách xa chồng để về quê sinh nở. Nhưng không ngờ, đây là quyết định sai lầm nhất của cô khiến cô bị trầm cảm sau sinh.
Những tưởng về quê, sẽ có một chỗ ở đàng hoàng hơn phòng trọ, sẽ có được sự quan tâm chăm sóc và kinh nghiệm chăm cháu của mẹ chồng. Nhưng không ngờ, từ khi sinh con, lúc nào tâm trạng cô cũng buồn bực, chán nản vì những mâu thuẫn với mẹ chồng.
Lúc mới sinh, con trai Lan rất hay quấy khóc, đặc biệt là khóc đêm. Mẹ chồng Lan vì phải thức đêm mệt mỏi nên lúc nào cũng bực dọc, trách móc Lan. Nào là cô không mát tay nuôi con, không biết chăm con, sống không có tâm, không đi chùa chiền nên không được hưởng phúc, ….Con đi ngoài cũng là do Lan “ăn cho sướng mồm, chỉ biết đến bản thân”, con còi cọc là do “cô sống keo kiệt, không chịu ăn uống nên giờ cháu tôi còi cọc”.
Những lời nói của mẹ chồng như những nhát dao cứa vào lòng Lan, và trở thành nỗi ám ảnh và sợ hãi không nguôi của cô. Cô tự hỏi, không biết từ bé đến giờ, mình đã làm điều gì ác mà con lại khóc nhiều như thế, tại sao mình vụng về, không biết chăm con…rồi tự dằn vặt, đay nghiến bản thân. Bao nhiêu đêm con khóc, cũng là bấy nhiêu đêm nước mắt người mẹ trẻ chảy dài bởi những lời trách móc mình. Nhiều lúc nghĩ cùng quẫn, cô đã có ý định tự tử cho xong số kiếp này.
Mang nặng đẻ đau, sinh con ra nhưng lại…ghét con
Còn câu chuyện của Hương lại khác, chín tháng mang nặng đẻ đau, nhưng khi sinh con ra, cô nhìn con mà không muốn bế, chỉ mong có người khác bế con mình. Hễ nghe tiếng con khóc, con o oe là Hương chỉ muốn đập phá, nếu vô tình vớ được gì đó lúc ấy, Hương sẽ xé nát những gì có thể xé, đập vỡ những gì có thể đập, gào thét với bất kì ai. Con càng khóc Hương càng ghét, chỉ muốn đánh, mắng, ….mặc dù biết rõ đó là đứa con mình vừa mang nặng đẻ đau. Đó là thời gian khủng khiếp nhất của Hương, nhất là khi cô phải cho con bú, những cảm giác giằng xé nội tâm thật khổ sở.
Cũng may, nhà chồng Hương nghĩ ngay đến việc Hương có bệnh, và đã đưa cô đi trị liệu tâm lí, thuốc thang kịp thời, nên bệnh của Hương ngày càng thuyên giảm, tâm trạng của Hương cũng đã tốt hơn trước rất nhiều.
Nếu xuất hiện tâm lí trầm buồn sau sinh- hãy nghĩ đến trầm cảm.
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, GĐ Bệnh viện tâm thần Mai Hương, có thể nói, sinh nở là một trong những cuộc thay đổi lớn của người phụ nữ, sự thay đổi có thể đến từ thể chất, từ tinh thần và tâm lí, hành động của người phụ nữ.
“Sinh nở là một trong những biến cố cơ bản là điều kiện thuận lợi của bệnh trầm cảm. Đây được coi là “giọt nước làm tràn ly” đối với những người phụ nữ trước đó đã có những mầm mống của biểu hiện trầm cảm, sinh nở là một cái cớ để bệnh trầm cảm bộc phát ra một cách trọn vẹn, đầy đủ, thực sự nhất” - TS Hùng cho biết.
Việc sinh nở cũng là một trong những tác nhân trực tiếp gây nên bệnh trầm cảm. Trầm cảm sau sinh có thể phát sinh sau sinh con bởi sự xuất hiện của thành viên mới nhưng lại gặp những vấn đề tâm lí như: Tủi thân khi không nhận được sự quan tâm cần thiết của chồng và người thân, chuyện vất vả trong chăm sóc con, những thay đổi về nội tiết sau giai đoạn mang thai và sinh nở, việc dùng thuốc ....
Xuất hiện trầm cảm sau sinh có thể khiến phụ nữ ghét con, ghét chồng, ghét gia đình nhà chồng...Nhưng cũng có những biểu hiện giống những bệnh trầm cảm thông thường như cảm giác buồn bã kéo dài, đau khổ, bi quan, tư duy chậm chạp, không muốn làm việc gì, đôi khi có thể hại những người thân của mình,....và nhiều người có xu hướng muốn tự sát.
Chính vì vậy, để người vợ lấy lại cân bằng tâm lí, điều quan trọng nhất, những người thân trong gia đình như chồng, cha mẹ chồng, cha mẹ đẻ, anh chị em,…cần có sự quan tâm đặc biệt, đúng mức,…để họ hoàn thành sứ mệnh sinh nở và nuôi con của người phụ nữ.