icon-hd
Hotline
091 585 0770
icon-hd
Tổng đài
1900 599 858
Đặt lịch
Khám bệnh
Tra cứu
Bệnh án

3 câu chuyện buồn về người bị trầm cảm

Câu chuyện thứ nhất

Chị và anh yêu nhau từ tuổi học trò, lấy nhau khi cả hai tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định. Đang trong lúc sự nghiệp của anh đi lên như diều gặp gió thì đùng một cái, chị mang theo đứa con rồi bỏ anh đi mà không một lời từ biệt trong buổi chiều nắng đẹp.

Anh không ngờ những câu nói: “Tôi không chịu nỗi cảnh sống này nữa, tôi sẽ bỏ đi cho anh được tự do và vừa lòng…” qua làn nước mắt mà anh luôn cho là chị “đang diễn” đã thành sự thật. Sau 12 năm tình nghĩa vợ chồng, giờ chị đã bỏ anh đi thật nhẹ nhàng không chút tiếc nuối.

Sau khi chị bỏ đi, trong hối tiếc anh mới thật lòng thừa nhận là nhờ có chị anh mới có được tất cả công danh sự nghiệp và tiền tài như hiện nay. Anh luôn cảm thấy, có chị anh vững vàng và làm gì cũng thành công... Nhưng tiếc thay, những lời thật lòng này anh chỉ nói khi mọi việc đã quá muộn màn. Nếu cách đây 2 năm, anh chịu thừa nhận điều này và quan tâm, nâng niu chị hơn thì câu chuyện gia đình anh có lẽ đã khác...

Sau khi cưới, anh lập công ty và làm giám đốc. Vì công việc là ăn, anh có nhiều mối quan hệ và cũng có nhiều phụ nữ dập dìu xung quanh. Tuy anh là người nghiêm túc, nhưng chị vẫn nghe rất nhiều câu chuyện thêu dệt xung quanh những mối quan hệ của anh. Lúc đầu chị chỉ giữ sự lo lắng trong lòng. Nhưng càng ngày, cái mẻ ngoài đẹp trai, phong độ của người đàn ông thành đạt từ anh toát ra càng khiến chị có những biểu hiện kỳ lạ như: chán ăn, khóc lóc, giận dỗi âm thầm, mất ngủ triền miên...

Anh yêu và thầm biết ơn vợ, nhưng chưa từng thể hiện sự đánh giá cao vai trò hậu phương của chị. Anh xem đó là điều đương nhiên phải vậy. Anh không dành thời gian để đọc đúng nguyên nhân khiến chị lo lắng. Hay có đọc được, anh cũng không có thời gian để thanh minh, xoa dịu. Anh cho là, đã yêu nhau đến thế, gắn bó lâu đến thế, đều là trí thức cả, thì phải hiểu nhau. Nghi ngờ là xúc phạm... Và cứ thế, anh cứ thờ ơ, bỏ mặc chị và mớ cảm xúc ngày càng méo mó.

Chỉ khi chứng mất ngủ của chị trở nên trầm trọng, anh mới đưa chị đi chữa trị. Dù bác sĩ có khuyên anh nên tâm sự nhiều hơn với chị, chịu khó đưa chị đi chơi đây đó nhiều hơn để giúp chị cân băng lại tinh thần… nhưng vì bận việc anh đã không làm tròn trách nhiệm. Thế là cuối cùng, chị đã chọn cách rời xa anh mãi mãi để lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống của mình.

Người mắc chứng trầm cảm

Câu chuyện thứ hai

Tin anh tự tử ở cái tuổi 45 làm cả hội bạn bàng hoàng. Lo xong việc tang ma cho anh, cả nhóm bạn thân ngồi lại với nhau tìm hiểu nguyên nhân. Thì ra, anh đã có biểu hiện stress từ rất lâu. Thế nhưng hội bạn sáng chủ nhật nào cũng tụ tập café cà pháo với nhau nhưng không ai nhận ra những biến đổi khác thường của anh.

Mọi người chỉ láng máng biết là anh đang gặp thua lỗ trong công việc làm ăn. Mấy tháng trời đều đặn, chủ nhật nào anh cũng đến họp mặt, nhưng anh luôn ngồi giữa bạn bè chỉ nghe và cười mà không hề nói câu nào. Mọi người cũng ngạc nhiên vì anh vốn là người vui vẻ. Một số bạn thân cũng ái ngại tình cảnh của anh, nhưng sợ anh tự ái nên không ai dám tìm hiểu sâu và thầm nghĩ anh sẽ có cách giải quyết như bao lần khó khăn trước. Vậy mà…

Cho đến khi anh mất, sự thật mới được nhận diện đầy đủ. Anh làm ăn thua lỗ nặng nề, vợ con thì gần như từ mặt vì anh lập phòng nhì với cô bồ trẻ hơn 15 tuổi. Khi biết anh lâm vào nợ nần, cô bồ hờ bấy lâu đã trở mặt bán sạch căn nhà anh mua cho cô ta trước khi tuyên bố đường ai nấy đi… Tình không còn, tiền cũng trắng tay. Bị vây bủa giữa những xa lánh và bế tắc mà không biết tìm đến ai để chia sẻ dù có rất nhiều bạn bè, cuối cùng anh đã chọn con đường tiêu cực nhất mà anh cho là ngắn nhất để giải thoát cho mình là: Tự tử!

Câu chuyện thứ 3

Là một chuyên gia tâm lý giỏi nghề, nhưng chị luôn bị am ảnh bởi anh chồng đẹp trai, có những mối quan hệ ngoài tầm kiểm soát của chị. Trong khi cả ngày chị chỉ loay hoay với công việc và những bệnh nhân có tâm lý bất ổn thì chồng chị lại thường xuyên đi đây về đó trong những chuyến công tác xa nhà của dân xây dựng.

Ám ảnh việc sẽ có ngày mất anh, nên dù đã ở qua tuổi 40, chị vẫn cố sinh thêm một đứa con trai cho đúng ý nguyện của anh. Nhưng không may, việc sinh nở khó khăn đã dẫn dắt chị tới bệnh tật. Và từ đó, chị càng chìm vào stress nặng với những tưởng tượng vô căn cứ. Chị bủa vây anh khắp nơi bằng những mật thám tài ba.

Chị không con tha thiết gì với nghề. Phòng mạch của mình, chị buông cho người khác quản lý. Chị trở thành người giám sát không biết mệt mỏi mọi hành động của chồng. Thấy việc giám sát của mình không “đủ đô” với những chuyến công tác xa nhà của anh, chị bắt đầu giở giọng tra khảo, trách mắng, căn vặn, xúc phạm anh... Nghiêm trọng hơn, chị kéo cả con về phía chị, vẽ nên chân dung một người cha vô trách nhiệm, trăng hoa... với những chứng cứ do chị tưởng tượng…

Nhiều lần đau khổ vì hạnh phúc gia đình đang bị biến dạng, anh đã thật tâm tâm sự cùng chị là, sở dĩ anh không mấy quan tâm đến chị chỉ vì công việc hai người khác nhau, chứ anh vẫn còn yêu chị. Và vì, lấy nhau chừng ấy năm, quá quen thuộc để mà phải “hình thức này nọ với nhau nữa”. Anh không đủ ga-lăng và không đủ tỉ mỉ để làm vui lòng chị. Song chuyện ngoại tình thì anh tuyệt đối không… Nhưng chị bỏ ngoài tai tất cả và cho anh là kẻ dối trá.

Đến khi căn bệnh trầm cảm vì ghen của chị bắt đầu trầm trọng, anh không thể đi đâu, ngoài những giờ làm ở cơ quan. Anh từ chối hết những chuyến công tác xa, những cuộc gặp bạn bè... anh trở thành một vú em chính hiệu vì đứa con trai út gần anh hơn chị. Và chị bệnh đến nỗi thờ ơ cả với con. Anh đã đưa chị đi nhiều nơi, gặp nhiều thầy thuốc, nhờ nhiều bạn bè đến gặp gỡ chị cho vui... Anh tìm mọi cách chứng minh rằng mình “vô tội”.

Anh đưa chị đi nghỉ dưỡng, tham gia các lớp “ăn kiêng thanh lọc cơ thể”... Mất 3 năm trời chị mới bắt đầu có biểu hiện hồi phục. Cuộc chiến giành lấy sự bình yên của gia đình mà hầu như một mình anh tả xung hữu đột đã có kết quả. Anh bảo quả là, có một người trầm cảm trong nhà, không khác gì sống trong địa ngục. Anh đã thầm thía hậu quả của việc hai vợ chồng chìm đắm vào hai thế giới riêng biệt.

Lời khuyên không bao giờ thừa

Khi cảm thấy mình bị trầm cảm hãy tĩnh tâm và tự tìm hiểu nguyên nhân gây ra căng thẳng với mình. Nếu không tự giải quyết được, nên tìm đến sự giúp đỡ của các bệnh viện chuyên khoa hoặc các trung tâm tư vấn tâm lý - Đó là lời khuyên của Bác sĩ Trần Văn Vũ, Phó trưởng khoa 3 Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.

Ngoài ra, bạn có thể tự thoát khỏi trầm cảm bằng những biện pháp sau:

- Mỗi ngày hãy tạo cho bản thân và người nhà một niềm vui nho nhỏ: mua vé đi xem phim, tặng một cuốn sách mới, làm đầu mới, món ăn mới...

- Ngày nghỉ hãy ngủ thêm một chút, tắm bằng nước lá thơm, đi làm đầu...

- Hãy thay đổi một điều gì đó trong căn hộ: kê lại đồ gỗ thay rèm cửa, thay thảm, đặt lại chậu hoa cảnh...

- Mời bạn thân đi tiệm cà phê hay về nhà, hãy tâm sự hết những nỗi niềm của mình, thậm chí hãy cùng khóc cho đến khi bật cười.

 
zalo
Thông Báo
Đóng